Trụ tứ linh chùa Hưng Ký cùng các di sản kiến trúc, nghệ thuật Phật giáo Việt nam từ nhiều di tích trên khắp đất nước đã được VR3D số hóa và trưng bày trong một bảo tàng 3D trực tuyến.
Các di sản văn hóa cổ này nằm rải rác ở khắp các địa phương, chỗ thì được bảo vệ cẩn thận, chỗ thì hoang vắng um tùm. Có bức thì ở trên nóc nhà, cái thì ngay giữa ruộng - vật liệu thì phức tạp đủ loại, hình dáng thì ngóc ngách bất thường. Nơi làm việc thường là chỗ thờ tự nên rất chật chội, thao tác vướng, ánh sáng tối tăm. Cách thức thi công lại phải thật trân trọng, không được gây phản cảm hay nghi ngại về an ninh... cho cư dân địa phương. Để đạt kết quả thật chuẩn xác trong những điều kiện đa dạng, nắng mưa thất thường như thế là thách thức rất lớn, cần kinh nghiệm và lượng dụng cụ cũng khác thường. Muốn có kết quả tốt VR3D thường dành cả buổi đến tận nơi, khảo sát kỹ thực địa để về lên phương án tối ưu, đặt mua hoặc chế tạo đủ đồ gá rồi mới sắp xếp lên đường số hóa (cũng có hiện vật dễ gặp là số hóa được ngay nhưng không nhiều và khó hoàn hảo). Đi cũng nhiều, nên VR3D thường phải tiết kiệm chi phí, thời gian bằng cách lên kế hoạch cho từng vệt địa bàn, sau khi số hóa hiện vật này trên đường về tranh thủ khảo sát hiện vật tiếp theo. Hoặc luôn có phương án 2 để nhỡ trục trặc ở di tích này thì chuyển ngay sang di tích gần đó cho đỡ mất 1 ngày di chuyển. Đó chỉ là những trở ngại đời thường, còn những khó khăn khi phải nâng cấp máy móc định kỳ, độ chế thiết bị hay tìm hướng để lập trình những tính năng chuyên ngành mới là nan giải nhất.
Công nghệ chuyển đổi số di sản văn hóa và bảo tàng online của VR3D (nay là Viz4D) có thể tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản:
Trung tâm dữ liệu di sản 3D cấp quốc gia có thể tập trung một số lượng không hạn chế dữ liệu của di tích từ tất cả các địa phương, mọi nguồn gốc hiện vật cả tư nhân lẫn nhà nước, thậm chí cả các hiện vật Việt nam đang thuộc sở hữu nước ngoài cũng có thể số hóa mang về. Kích thước trưng bày không giới hạn, các khu di tích lớn đều có thể bảo quản dữ liệu trong bảo tàng 3D của nền tảng số quốc gia. Hệ thống trưng bày sẽ cực kỳ phong phú, xem nhiều ngày không hết với đầy đủ các kịch bản tham quan, nghiên cứu mà không cần có chi phí bảo vệ, nhân sự hay mặt bằng gì cả. Di sản văn hóa Việt nam sẽ tận dụng được sức mạnh của công nghệ số hóa 3D và mạng Internet để lan tỏa ra thế giới ( đây cũng là kênh marketing online cho các di tích và bảo tàng thực).
Hệ thống phân cấp truy cập của VR3D còn có thể giúp bộ Văn Hóa dễ dàng chia sẻ dữ liệu cho các bộ ngành khác. Dữ liệu di sản chất lượng cao có thể liên thông với các cơ quan nghiên cứu về Khảo cổ, Mỹ thuật, Kiến trúc... Dữ liệu online có chất lượng vừa đủ dùng được ngay trong quảng bá, xúc tiến du lịch và còn có thể đặt thẳng vào giáo trình điện tử của ngành Giáo dục.
Chỉ một lần số hóa nhưng sử dụng được mãi cho nhiều người, nhiều nghành. Đây là phương án có hiệu suất sử dụng cao và tiết kiệm chi phí xã hội nhất.
VR3D không chỉ lưu trữ những bản sao 3D chính xác của các di sản mà còn tích hợp vào nó những tính năng mơ ước của người nghiên cứu, bảo tồn. Đó là khả năng tự đo đạc, tạo mặt cắt, bản rập...ngay trên thiết bị cá nhân, từ bất cứ đâu. Tất cả các đặc điểm, chi tiết nhỏ nhất đều được lưu trữ, tạo ra ID của di sản, có thể phát hiện ngay việc tráo đổi hiện vật hay trùng tu sai lệch. Dữ liệu 3D chi tiết còn là sự bảo hiểm kỹ thuật, là cơ sở khoa học để phục dựng lại di tích nếu có rủi ro bất thường xảy ra. VR3D có thể là nền tảng để toàn dân đều có thể tham gia nghiên cứu, giám sát, bảo vệ di sản.